LONG GIANG: "VÕ VĂN HỒNG- TẤM GƯƠNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC"
Tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có các giá trị cốt lõi như lòng yêu nước, đoàn kết, tôn trọng con người, sự công bằng và lòng nhân ái. Người không chỉ đề cao đạo đức cá nhân, mà còn đặt đạo đức cộng đồng lên hàng đầu. Người luôn coi lợi ích chung và sự phục vụ cộng đồng là trọng tâm của mọi hoạt động và quyết định cá nhân. Hồ Chí Minh một người lãnh đạo tuyệt vời, với phong cách gần gũi, khiêm tốn và sẵn lòng lắng nghe. Tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một di sản quý giá, mang ý nghĩa sâu sắc đối với Việt Nam, cũng là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau học tập.
Kết luận số 01 về việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã được Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của Công đoàn viên và người lao động. Nhìn lại 3 năm thực hiện Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05, Liên Đoàn lao động huyện Chợ Mới nói chung, Công đoàn cơ sở xã Long Giang nói riêng đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội. Trong đó, phải nhắc đến 1 tấm gương tiêu biểu của xã Long Giang đó chính là công đoàn viên Võ Văn Hồng. Là một trong những công đoàn viên có đóng góp lớn và việc kêu gọi, vận động và trực tiếp tham gia hỗ trợ bà con nhân dân trên địa bàn vượt qua đại dịch Covid -19. Với tính tình hiền lành, nhân hậu luôn sẵn lòng giúp đỡ những bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ông là một tấm gương tiêu biểu trong công tác tình nguyện xã hội với phong cách giản dị.
Ông Võ Văn Hồng thường được gọi là ông Bảy Hồng, năm nay ông vừa tròn 63 tuổi. Hiện đang sinh sống tại tổ 5, ấp Long Mỹ 2, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Có thể nói ông là công đoàn viên lớn tuổi nhất của xã Long Giang. Ông không chỉ là công đoàn viên mà còn là Phó trưởng Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng dân gian Tây An Cổ Tự, Ngôi thờ Anh Hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch Hội khuyến học, Chi hội Nông dân ấp Long Mỹ 2, Tổ trưởng tổ cho vay vốn tiết kiệm ngân hàng chính sách của ấp Long Mỹ 2. Sinh ra và lớn trong gia đình không mấy khá giả nhưng ông đã cố gắng vượt qua mọi khó khan, thách thức, nuôi con ăn học thành tài.
Vào năm 1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất. Trong những năm đầu sau khi giải phóng, nước Việt Nam tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Huyện Chợ Mới không thể tránh khỏi phải đối mặt với trở ngại và thách thức. Nông dân thì mất ăn mất ngủ vì lo việc đồng án, luôn sợ phải gặp cảnh thiên tai lũ lụt, hạn hán, dẫn đến thiệt hại vụ mùa. Các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục và y tế, thêm cảnh dịch bệnh hoành hành, thiếu nguồn nước sạch để sử dụng. Lúc bấy giờ, ông Bảy chỉ là một chàng trai vừa tròn 19 tuổi, gia đình ông Bảy cũng nằm trong số những gia đình khó khăn đó, nhưng ông đã quyết tâm vượt lên số phận của mình, ông nhắc nhở bản thân phải “Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư”, và “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” ông thấm nhuần lời Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi, lấp biển, quyết chí ất làm nên”, xem nó như kim chỉ nam đối với ông Bảy trong suốt quãng thời gian bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Năm ông 40 tuổi, sự cố gắng của ông đã thu được trái ngọt, ông dạy dỗ 02 người con thành tài, người con trai lớn tên Võ Thanh Hào hiện đang công tác tại Trung Tâm phần mềm Quốc Tế TPHCM. Người con gái út tên Võ Thị Kiêm Diệu là giáo viên dạy học tại trường THPT Quận Thốt Nốt Thành Phố Cần Thơ. Hiện tại, ông sống một cuộc sống đủ ăn đủ mặc, gia đình ông trở thành một trong những gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền ở địa phương.
Tôi không nhớ rõ là tôi biết ông Bảy từ khi nào, nhưng tôi nhớ mãi những lần đầu tôi gặp ông Bảy. Vào năm 2008, khi tôi 10 tuổi, tôi được tại Trường Tiểu học B Long Giang, ngôi trường cạnh nhà ông, đối với một đứa trẻ rụt rè như tôi, khi gặp người lớn tôi thường rất sợ, và trốn đi. Nhưng đối với ông Bảy, một người ông giản dị, dễ gần với dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm rám nắng, mái tóc chóm bạc, chân mang đôi dép xốc xếch, mặc chiếc quần tây và chiếc áo đã cũ, chạy chiếc xe Wave màu đen. Mỗi lần gặp ông Bảy, ông luôn nở nụ cười hiền hoà và ấm áp, kèm theo đó là giọng nói trầm ấm nhỏ nhẹ của ông, luôn tạo cho tôi cùng đám bạn cảm giác gần gũi.
Ông Bảy quả thật là một người giàu lòng nhân ái. Từ nhỏ, tôi đã nghe kể lại từ lời của Ba tôi cùng lời truyền miệng của các Cô Bác trong xóm về tiếng thơm của ông. Từ việc ông giới thiệu thành lập tổ cho vay vốn giúp đỡ bà con trong xóm, rồi đến việc ông tham gia vào Hội khuyến học, Hội Nông dân, công đoàn viên rồi đến việc vận động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khan, đau ốm trong xóm mình. Hành động của ông mang đầy tính nhân đạo, lòng tư bi bác ái, và tính phi lợi nhuận. Ngoài ra, ông còn là 01 tình nguyện viên trong hiến máu nhân đạo của xã.
Nổi bật nhất là bước vào giai đoạn 2019 đến năm 2021, giai đoạn đại dịch COVID-19 bùn phát trên địa bàn Huyện chợ Mới, ông Bảy đã có tuổi nhưng vẫn chọn cách dấn thân, được xem là tuyến đầu trực tiếp tham gia chống dịch. Cụ thể ông vận động, điều hành phân phát những phần quà cứu trợ cho bà con, từ gạo đến rau củ rồi thuốc men. Hơn thế nữa, ông Bảy còn chủ động kêu gọi mọi người cùng đóng góp mua xe chuyển bệnh đã hỗ trợ rất nhiều ca bệnh trong suốt thời gian đó. Sau dịch bệnh, cứ nghĩ ông sẽ chọn an nhàn, nhưng ông vẫn giữ vững ý chí và tấm lòng nhân hậu của mình. Ông còn giữ chức vụ là Phó ban quản lý cơ sở tín ngưỡng dân gian Tây An Cổ Tự, Ngôi thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ông luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và xã hội từ thiện, luôn kịp thời đề xuất những phương hướng để vận động bảo tồn các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn xã. Ông Bảy không ngừng tham gia vận động nhân công, tiền, đồng thời trực tiếp tham gia và phối hợp với chính quyền thực hiện xoá nhà tạm bợ, hủ gạo tình thương, vận động dặm vá đường, rãi đá dâm, và trồng thuốc nam, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, nhất là trong việc cất nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho những hộ nghèo. Trong suốt 3 năm thực hiện Kết luận số 01 về việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, ông Bảy đã vận động hơn 1 tỷ đồng cho việc cất mới 2 cây cầu bê tông, xây 4 Nhà đại đoàn kết, 8 Nhà tình thương và hơn 900 phần quà tiếp bước học sinh đến trường và khen thưởng cuối năm học cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Giờ đây, tôi đã lớn, tôi tham gia công tác tại địa phương, có cơ hội được gặp ông Bảy nhiều hơn, tôi lại càng cảm nhận rõ cái tình người trong ông Bảy. Vào một buổi sáng đẹp trời, giữa tháng 4 năm 2024, tôi có buổi ghé thăm cơ sở tín ngưỡng dân gian Tây An Cổ Tự và gặp ông Bảy. Vẫn là hình dáng người dáng nhỏ nhắn đó, nước da ngăm rám nắng, chân mang đôi dép xốc xếch, mặc chiếc quần tây và chiếc áo đã cũ đó, chạy chiếc xe Wave xưa, nhưng mái tóc thì đã bạc nhiều hơn, gương mặt đã có những vết hằng của thời gian. Ông Bảy vừa gặp bóng tôi đứng ở ngoài sân thì đã gọi tôi vào sảnh lớn để trò chuyện. Tôi được ông dẫn vào sảnh, đi ngang khu bếp, nhìn thấy những bao gạo chất đóng phía cạnh nhà bếp, ông Bảy cười rạng rỡ nói với tôi:
- Ông Bảy vừa vận động gạo cho bà con nghèo, khó khăn, mỗi phần gồm gạo và nhu yếu phẩm, mỗi phần trị giá 500.000đ đó con.
Tôi nghe ông Bảy nói nói cười cười, một điều tôi chợt nhận ra, giọng nói của ông vẫn như thuở nào, vẫn nhẹ nhàng, đầm ấm, và hơn hết nữa tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trong lời nói của ông khi giúp được người dân. Vào đến sảnh lớn, ngồi trò chuyện, tôi hỏi ông Bảy:
- Vì sao ông bảy lại chọn việc cống hiến cho xã hội như vậy, trong khi với đội tuổi của ông nhiều người đã chọn việc an dưỡng, tận hưởng cuộc sống của mình?
Ông Bảy cười hạnh phúc và nhẹ nhàng trả lời tôi:
- Ông Bảy đã từng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn lo cho con cái học hành, sau khi con cái thành đạt, ông Bảy vượt qua khó khăn, ông có suy nghĩ làm sao để “chia sẻ” để “cho đi” với những người xung quanh. Nên ông quyết định tham gia công tác xã hội từ thiện giúp cho nhiều người khó khăn hơn mình, giúp 1 người hơn xây mấy kiểng chùa đó con! Ông đã thấm nhuần tư tưởng về đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, từ đó làm điều có ích lợi cho xã hội. Xuất phát từ tình người, lòng yêu nước, yêu đồng bào. Xuất phát từ tinh thần đoàn kết, kết nối giữa người dân và chính quyền địa phương để đưa địa phương ngày càng phát triển giàu mạnh, và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thành thật mà nói, lúc bấy giờ trước mặt tôi là một là một bức chân dung sống động về một người ông tuyệt vời, với tình yêu thương và lòng vị tha. Ông khiêm tốn chỉ chia sẻ cho tôi vài ba câu chuyện về những lần làm thiện nguyện của ông trong hơn 20 năm cống hiến vì người vì xã hội. Mà rõ ràng phía sau ông là một biển trời nghĩa cử cao đẹp, mang một tầm vóc vĩ đại, với nhiều việc làm hành động giúp đời, giúp người không thể kể xuể. Mãi trò chuyện với ông Bảy, đến giờ trưa thì tôi rời đi.
Trên đường về tôi có ghé nhà ông Bảy, được tận mắt chứng kiến những bằng khen và huy chương của ông, tiêu biểu như: Năm 2017, ông được Ban chấp hành Trung Ương Hội Nông dân khen tặng kỷ niệm chương “vì giai cấp nông dân”, năm 2021 được Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo khen tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, đồng thời trong năm 2021 ông còn được nhận bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang “Đạt thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và có đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, năm 2024 ông nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học của Ban Chấp hành Trung ương Hội khuyến học,.. và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất, vô giá nhất với ông Bảy đó chính là sự tin yêu, quý mến của tất cả bà con xung quanh.
Tóm lại, mỗi lời nói, hành động và vốn sống của ông đều học hỏi từ tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Từ lối sống giản dị khiêm tốn, rồi đến kim chỉ nam “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi, lấp biển, quyết chí ất làm nên”, “cần, cù, liêm, chính, chí, công, vô tư”, đi đôi đó là việc ông cống hiến trong hơn 20 năm trời cho xã hội. Đã bao lần tôi tự hỏi, một người trẻ tôi cần làm gì cho tổ quốc, cho đồng bào tôi. Những hành động của ông đã vực dậy tinh thần của tôi và bà con nhân dân. Tôi học hỏi được lối sống giản dị của ông, và hơn hết nữa, qua câu chuyện của ông, tôi nhận thấy rằng “yêu thương là để cho đi”, tôi sẽ cố gắng phát huy tốt vai trò của một người công đoàn viên, cố gắng cống hiến hết mình cho xã hội. Quả thật, việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải từ những điều quá xa hoa, mà nó chỉ đơn giản là những hành động giản đơn hằng ngày. Cũng chính vì vậy, mỗi Công đoàn viên nên tuân thủ quy tắc làm việc, đạo đức nghề nghiệp trong từng hành vi và lời nói, luôn đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân, tận tâm hết mình với công việc. Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, cùng nhau hành động, lan toả tình yêu thương, tương trợ nhau trong cộng đồng vì sự phát triển của quê hương của đất nước.
Đặng Thị Ngọc Nhi