Skip to main content

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 89 NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ (28/3/1935 - 28/3/2023)

          Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan, tổ chức gọi là tự vệ. Ngày 28/3/1935 “Nghị quyết về đội tự vệ” được thông qua tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Đây là mốc son lịch sử của DQTV Việt Nam và ngày 28/3 hằng năm là Ngày truyền thống của DQTV.

          Lịch sử hình thành và phát triển, trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, tổ chức ra các Đội tự vệ, Đội du kích trên nền tảng của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Từ những đội “Tự vệ đỏ” - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Du kích Ba Tơ, Quân du kích Nam Kỳ, các Đội du kích hoạt động trong các chiến khu trên khắp cả nước… đều được tổ chức trên cơ sở lực lượng chính trị của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm nòng cốt cho khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị Pháp - Nhật, giành chính quyền cách mạng về tay công nông (8/1945).

          Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng Dân quân tự vệ, du kích không thoát ly sản xuất làm lực lượng nòng cốt đánh địch ở địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Những tổ chức dân quân tự vệ, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể bổ sung cho bộ đội chủ lực”. Nhờ đó, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích đã có bước phát triển vượt bậc “từ khoảng chục vạn người trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tăng lên khoảng 1 triệu người đầu năm 1946, có quy mô rộng khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới giăng khắp núi rừng, đồng bằng, đô thị”. Về tổ chức, Dân quân tự vệ, du kích từng bước được thống nhất, là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ huy, quản lý và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp.

          Thực hiện chủ trương “biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta”, với các loại vũ khí thô sơ trong tay, nhưng Dân quân tự vệ, du kích đã dựa vào địa hình, địa vật của xóm làng, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân tiến hành diệt ác, trừ gian, góp phần xây dựng, mở rộng và bảo vệ các vùng căn cứ; đồng thời, phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch trong các đô thị, thành phố, thị xã. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, nhất là Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động của Dân quân du kích phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công mạnh mẽ, góp sức lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

          Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích hai miền Nam - Bắc tiếp tục có nhiều đóng góp công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

          Trên miền Bắc, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, cùng với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích cũng từng bước được chăm lo, phát triển, đáp ứng yêu cầu cách mạng, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có lệnh động viên. Dân quân tự vệ, du kích vừa tham gia sản xuất, phát triển kinh tế vừa đóng góp vào bảo vệ trật tự trị an, phối hợp các lực lượng khác làm thất bại hoạt động tung biệt kích thám báo của Mỹ, hòng gây rối miền Bắc. Tiếp đó, trong những năm đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965 - 1973), Dân quân tự vệ miền Bắc phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng (chiếm 12% dân số miền Bắc), được biên chế, tổ chức thành các trung đội, đại đội, có nơi thành lập tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn; được trang bị các loại vũ khí phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu của từng lực lượng. Trên các địa phương miền Bắc, phối hợp với lực lượng công an nhân dân lập nhiều thành tích, giữ vững an ninh trật tự, Dân quân tự vệ còn là lực lượng nòng cốt và linh hồn trong các phong trào sản xuất, chiến đấu: “Tay cày, tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “Tiếng hát át tiếng bom”... Ngoài ra, Dân quân tự vệ còn là “mắt xích” quan trọng trong lưới lửa phòng không ba thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ở miền Nam, các Đội tự vệ vũ trang, du kích xuất hiện làm nòng cốt hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị chống chính sách bình định của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đến năm 1960, Dân quân tự vệ, du kích miền Nam phát triển khoảng 10.000 người với các Đội tự vệ, Đội du kích ở các thôn, xã, ấp. Kết hợp phương châm đấu tranh “hai chân”, “ba mũi”, “ba vùng” của Đảng, quân và dân miền Nam đẩy mạnh chiến tranh du kích, Dân quân tự vệ, du kích phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh bại các chiến thuật chiến tranh mới “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, gom dân, lập Ấp chiến lược của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, để chủ động chuẩn bị đối phó với đối tượng tác chiến mới, lực lượng cách mạng miền Nam trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, mà Dân quân tự vệ, du kích là một thành phần trọng yếu đã phát triển nhanh chóng. Đến năm 1966, Dân quân tự vệ và du kích trên toàn miền là 301.354 người, trong đó có 152.037 người trực tiếp chiến đấu; năm 1967 đã lên 302.638 người, có 154.159 trực tiếp chiến đấu. Dân quân tự vệ, du kích vẫn là lực lượng nòng cốt củng cố thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt và giam quân địch tại các căn cứ đóng quân với hệ thống “Vành đại diệt Mỹ”… góp phần hỗ trợ đắc lực Quân giải phóng đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết, lực lượng Dân quân tự vệ và dân quân du kích không ngừng được củng cố và phát triển, là lực lượng xung kích đánh bại chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Đến đầu năm 1975, Dân quân tự vệ và du kích miền Nam đã đạt tới 296.984 người, trong đó có 83.953 người trực tiếp tham gia chiến đấu. Quán triệt phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, Dân quân tự vệ, du kích là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tác chiến ở các làng xã; bảo vệ dân, bảo vệ địa bàn; đồng thời, sẵn sàng bổ sung tăng cường lực lượng cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân cả nước trong Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, từ tháng 6/1946 Tỉnh ủy lâm thời được thành lập với chủ trương “tích cực xây dựng lực lượng DQTV, đẩy mạnh các hoạt động trừ gian ở khắp nơi”. Quá trình chiến đấu và xây dựng đến năm 1948, toàn tỉnh đã xây dựng được 64 trung đội, 372 tiểu đội du kích, quân số lên đến 4.453 đội viên, đã mở được 03 lớp huấn luyện, đào tạo được 108 cán bộ dân quân và ủy viên dân quân phụ trách cấp xã, đến cuối năm 1948 thành lập Tỉnh đội dân quân. Tháng 11/1949, tỉnh thành lập trường Dân quân để đào tạo cán bộ dân quân cho huyện, xã; từ ngày 20/11/1949 đến ngày 15/11/1950 lớp đầu tiên đào tạo được 35 đồng chí cả nam lẫn nữ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15 chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV rộng khắp trong địa bàn tỉnh, đã làm thất bại âm mưu “Bình định” của kẻ thù nhằm tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên là xã điển hình trong đấu tranh làm thất bại âm mưu “Bình định” của Mỹ, Ngụy, được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đánh Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, trong lúc DQTV đang tham gia truy quét tàn quân Ngụy thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại diễn ra ngay trên địa bàn tỉnh với chiều dài 9,6 Km đường biên giới. Đêm 30/4/1977, quân Pôn Pốt tràn sang đất nước ta tàn sát dã man đồng bào 14 xã dọc biên biên giới của tỉnh, lực lượng DQTV cùng Công an biên phòng đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi địch ra khỏi biên giới ngay lúc đầu. Cuối tháng 7/1977, Bộ CHQS tỉnh ra Nghị quyết chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, lực lượng DQTV được phát triển nhanh chóng, đã tổ chức lực lượng được 446/482 ấp với 5.933 đồng chí, mỗi xã có từ một tiểu đội đến một trung đội, các xã biên giới có hai đến ba trung đội. Khi cường độ chiến tranh lên cao, chấp hành Nghị quyết Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 01/1978 tỉnh đã xây dựng lực lượng dân quân ở mỗi ấp trong toàn tỉnh có từ một đến hai trung đội, các xã biên giới có ba trung đội, các xã phía sau có hai đến ba tiểu đội và một trung đội thường trực khi cần rút lên bộ đội huyện; các cơ quan, đường phố, xí nghiệp, trường học mỗi nơi có từ một đến hai tiểu đội tự vệ. Một số huyện đã có đại đội DQTV như: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Đốc; đặc biệt huyện Châu Phú có tới năm đại đội DQTV liên xã. Sau đó các xã ở huyện phí sau thường xuyên có hai trung đội luân phiên nhau lên tham gia chiến đấu ở biên giới. Qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cũng như trong chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, lực lượng DQTV trong tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; cùng với bộ đội tỉnh, huyện, lực lượng DQTV đã góp công rất lớn vào việc bảo vệ an ninh ấp, xã và truy quét tàn quân địch, giữ vững ổn định địa bàn, đem lại sự yên vui cho xóm làng. Vì vậy, lực lượng DQTV tỉnh có nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội khen tặng, trong đó tiêu biểu nhất là 25 tập thể và 02 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó huyện Chợ Mới có liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và 02 xã Mỹ Hiệp, Hội An được khen tặng.

Trên địa bàn huyện Chợ Mới, trong năm 2023 đã tổ chức được 72 lớp tập huấn, huấn luyện cho các đối tượng DQTV, quân số 2.434/2.434 đ/c, đạt 100% chỉ tiêu trên giao; tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ và diễn tập phòng thủ dân sự cấp xã được 05/05 đơn vị, đạt 100%; lực lượng DQTV phối hợp cùng công an tổ chức tuần tra được 2.781 cuộc, có 10.894 lượt đồng chí tham gia, phát hiện và giải tán 132 vụ, liên quan 278 đối tượng, góp phần giữ vững ổn định tình hình ANCT-TTATXH ở địa phương, cơ sở; phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân nhân, tham gia  khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, làm đường, sửa nhà, di dời tài sản nhân dân đến nơi an toàn… được 897 cuộc với 3.186 lượt đồng chí tham gia, qua đó góp phần ngày càng củng cố vững chắc niềm tin “về vị trí, vai trò, chức năng làm nòng cốt của lực lượng DQTV trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, cơ sở; trong năm toàn huyện có 64 tập thể và 163 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền các cấp khen tặng. Đến nay, lực lượng DQTV trong toàn huyện đã xây dựng được 2.637 đồng chí, đạt 0,86% so với dân số (Dân quân là 2.480 đ/c, Tự vệ là 157 đ/c), đảng viên là 599 đồng chí (đạt 22,72%), đoàn viên là 1.805 đồng chí (đạt 68,45%); 100% chi bộ quân sự xã, thị trấn đều có chi ủy, chi đoàn quân sự hoạt động ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ngày 28/3/2024 các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt tiến hành tổ chức Lễ tuyên truyền kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống lực lượng DQTV kết hợp công bố quyết định cho ra hoàn nghĩa vụ tham gia DQTV cho 262 đồng chí và kết nạp mới 316 đồng chí vào lực lượng DQTV.

            Riêng hoạt động của LLDQ trên địa bàn xã Long Giang, trong năm 2023 đã tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện, quân số 135/135 đ/c, đạt 100% chỉ tiêu trên giao; LLDQ phối hợp cùng công an tổ chức tuần tra được 162 cuộc, có 648 lượt đồng chí tham gia, góp phần giữ vững ổn định tình hình ANCT-TTATXH ở địa phương, cơ sở; phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân nhân, tham gia  khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, làm đường, sửa nhà, di dời tài sản nhân dân đến nơi an toàn… được 11 cuộc với 106 lượt đồng chí tham gia, qua đó góp phần ngày càng củng cố vững chắc niềm tin “về vị trí, vai trò, chức năng làm nòng cốt của LLDQ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, cơ sở; trong năm toàn xã có 14 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được khen thưởng. Đến nay, LLDQ trong toàn xã đã xây dựng được 153 đồng chí, đạt 0,93% so với dân số, đảng viên là 32 đồng chí (đạt 20,91%), đoàn viên là 106 đồng chí (đạt 69,28%); chi đoàn quân sự hoạt động ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ngày 28/3/2024 xã tiến hành tổ chức Lễ tuyên truyền kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống lực lượng DQTV kết hợp công bố quyết định cho ra hoàn nghĩa vụ tham gia DQTV cho 13 đồng chí và kết nạp mới 16 đồng chí vào LLDQ.

          Trải qua 89 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng DQTV đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trong chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, cùng với việc xây dựng Quân đội thường trực chính quy, hiện đại, thì Dân quân tự vệ cũng không ngừng được chú trọng củng cố về số lượng, nâng cao về chất lượng, vẫn luôn được coi là lực lượng nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ; phối hợp với công an, ban, ngành, đoàn thể trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, trấn áp các loại tội phạm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân; đồng thời còn là lực lượng hùng hậu trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, xây dựng làng xóm, quê hương, đất nước… góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

                                                                                                   Sưu tầm